Blog

So Sánh Webflow Và WordPress – Nền Tảng Xây Dựng Website Nào Tốt Hơn?

So sánh Webflow và Wordpress

Webflow và WordPress là hai nền tảng xây dựng website hàng đầu ở thời điểm hiện tại. Nếu như WordPress là một nền tảng “gạo cội”, uy tín thì Webflow lại ghi điểm bởi tuyên ngôn bất cứ ai cũng có thể làm website. Vậy đâu mới là nền tảng xây dựng website tốt và phù hợp với doanh nghiệp hơn? Hãy cùng GAPONE so sánh Webflow và WordPress chi tiết trong bài viết dưới đây. 

Tìm hiểu tổng quan về 2 nền tảng xây dựng website 

Trước khi đi vào so sánh chi tiết hai nền tảng thiết kế website này, doanh nghiệp cần nắm được khái niệm về hai công cụ xây dựng trang web Webflow và WordPress. 

Webflow và WordPress
Cả Webflow và WordPress đều là những nền tảng hỗ trợ thiết kế website nổi bật ở thời điểm hiện tại.

1. Webflow là gì?

Webflow là nền tảng ra mắt vào năm 2013 và đã khá phổ biến tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây vẫn còn là một cái tên lạ lẫm và ít được ứng dụng.

Nền tảng này cho phép doanh nghiệp triển khai một trang web chuyên nghiệp mà không cần đến khả năng lập trình hay thiết kế. Tuy nhiên, nếu nhân sự vận hành có kiến thức viết mã lệnh và tư duy thẩm mỹ, việc tùy biến sẽ trở nên đa dạng hơn. Với cách vận hành “no-code” và các thao tác kéo thả đơn giản, trực quan, Webflow được đánh giá là tương lai của xây dựng website bởi sự tiện lợi, nhanh chóng mà nền tảng này đem lại.

» Tìm hiểu chi tiết tại: Webflow Là Gì? Tìm hiểu chi tiết về nền tảng xây dựng web Webflow

2. WordPress là gì?

Tương tự như Webflow, WordPress là nền tảng xây dựng website đã xuất hiện tới 17 năm trên thị trường. Hiện tại, đây là nền tảng được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới (Hơn 40% số lượng website toàn cầu) bởi mọi đối tượng khách hàng từ các doanh nghiệp, cá nhân, freelance và phục vụ cho mọi ngành nghề lĩnh vực. 

Khác biệt với Webflow, WordPress lại là một hệ thống mã nguồn mở, chính vì vậy, việc sử dụng sẽ không được dễ dàng như Webflow. Tuy nhiên, điều này cho phép người dùng có thể can thiệp và tùy biến sâu hơn. Chính vì vậy, để sử dụng WordPress, doanh nghiệp cần có hiểu biết từ cơ bản đến chuyên sâu về thiết kế và lập trình. 

So sánh Webflow và WordPress – Đánh giá chi tiết trên từng hạng mục

Nhiều ý kiến cho rằng Webflow là tiên phong cho web 3.0 và trong tương lai có thể thay thế, đánh bại các nền tảng “gạo cội”, điển hình trong đó là WordPress – Nền tảng xây dựng website đang được ưa chuộng nhất hiện nay. Điều này có thực sự xảy ra hay không? Cùng so sánh Webflow và WordPress qua 7 tiêu chí quan trọng dưới đây nhé. 

1. Mức độ dễ sử dụng

Để so sánh về mức độ dễ sử dụng, doanh nghiệp cần xét trên hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn mới bắt đầu, khi người dùng lần đầu truy cập cả 2 nền tảng này và hoàn toàn không biết cách sử dụng từ trước. Và giai đoạn 2 là sau một thời gian sử dụng.

Trong giai đoạn đầu, WordPress sẽ ghi điểm bởi sự dễ dùng. Điều này là bởi giao diện trang chủ của nền tảng này rất đơn giản và người dùng có thể tạo ra một trang web mà gần như không phải làm bất cứ điều gì ngoài những thao tác cài đặt cơ bản. WordPress cung cấp themes (giao diện) có sẵn, trang viết bài, trang tạo page, cửa sổ cài đặt,… tất cả đều hiển thị trực quan, đơn giản, dễ dùng mà cũng dễ tìm hiểu.

Trong khi đó, giao diện người dùng của Webflow lại hoàn toàn khác biệt với không gian xây dựng web tương tự như trang thiết kế của các phần mềm Adobe như Photoshop và AI. Chính vì vậy, người dùng cần phải lần mò và làm quen “vất vả” hơn trong giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, khi đã sử dụng một thời gian, doanh nghiệp hiển nhiên sẽ có nhiều nhu cầu khác nhau. Và lúc này, Webflow sẽ dễ dùng hơn rất nhiều. Bởi lẽ, những thao tác của nền tảng này không quá nhiều, chỉ đơn giản lặp đi lặp lại những hành động kéo thả, thêm hiệu ứng. Trong khi đó, nếu muốn điều chỉnh nhiều hơn, can thiệp sâu hơn vào những mẫu themes cho sẵn hoặc những tính năng khác, WordPress sẽ đòi hỏi những thao tác khác biệt như cài thêm plugins, chèn thêm mã code,… Rõ ràng, người dùng cần phải có hiểu biết cơ bản về lập trình và thiết kế. 

2. Chi phí đầu tư

Nếu so sánh Webflow và WordPress mà không so sánh chi phí đầu tư thì quả là một thiếu sót lớn. Bởi lẽ, đây chính là vấn đề mà các doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. 

Chi phí đầu tư
Nếu chỉ tính riêng chi phí sử dụng nền tảng, WordPress đem lại mức giá hấp dẫn hơn.

Đối với Webflow, chính sách giá cả của nền tảng này hơi rắc rối. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn tinh thần rằng việc xây dựng một website miễn phí với nền tảng này như bao người quảng cáo là điều không thể. Nền tảng này cung cấp cho doanh nghiệp rất nhiều các gói đăng ký để lựa chọn. Trong đó, nếu muốn tạo ra một website để kinh doanh và có thể đem về doanh thu, doanh nghiệp ít nhất cũng phải sử dụng gói CMS (ở cấp độ cá nhân)  và gói Growth (ở cấp độ sử dụng chung) với mức giá lần lượt là 23$ và 49$/ tháng (Nếu đóng theo năm)

Trong khi đó, WordPress lại đem lại cho doanh nghiệp mức giá hợp lý hơn. Sự lựa chọn gói không quá đa dạng nhưng vừa đủ, đơn giản, dễ hiểu và có sự phân chia rõ ràng giữa các gói. Khác với Webflow, việc tạo một website miễn phí cho doanh nghiệp là hoàn toàn có thể với WordPress. Nếu doanh nghiệp chỉ muốn viết blog, chia sẻ kiến thức, giới thiệu công ty, gói miễn phí được cung cấp bởi WordPress là đã đủ. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn triển khai nhiều hơn nhằm kinh doanh và phát triển thương mại điện tử, gói Business và Commerce với mức giá lần lượt là 25$ và 45$/ tháng (Nếu trả theo năm) là đã quá thừa tính năng. Không chỉ vậy, khi đăng ký 2 gói kể trên doanh nghiệp sẽ được miễn phí tên miền (domain) trong một năm. 

Tuy nhiên, nếu chỉ xét về giá cả cung cấp là chưa đủ nếu doanh nghiệp muốn đánh giá một nền tảng xây dựng website. Thực tế, chi phí của Webflow đắt hơn, nhưng trong đó đã bao gồm cả tên miền, hosting, chứng chỉ  SSL,… và doanh nghiệp không phải cài đặt và chi trả thêm cho bất cứ chi phí nào. Trong khi đó, khi sử dụng gói miễn phí của WordPress, việc bỏ thêm chi phí mua tên miền, hosting, chứng chỉ, cài đặt plugin,… là điều doanh nghiệp bắt buộc phải làm. Bên cạnh đó, khi sử dụng WordPress, doanh nghiệp có thể mất thêm chi phí nhân sự lập trình và thiết kế. 

Tổng hợp lại, chi phí của WordPress sẽ cao hơn ở giai đoạn đầu, khi doanh nghiệp phải đầu tư vào rất nhiều yếu tố khác nhau thay vì chỉ một mình nền tảng này. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, mỗi tháng doanh nghiệp chỉ cần chi trả số tiền nhỏ hơn so với Webflow (Thậm chí là miễn phí nếu dùng gói Free) và chi phí duy trì tên miền, hosting hàng năm. Ngược lại, Webflow là một nền tảng trọn gói, doanh nghiệp không cần phải trả chi phí các yếu tố bên ngoài, tuy nhiên, chi phí phải trả mỗi tháng sẽ rất cao và duy trì đều đặn bất kể bạn đã dùng website bao lâu. 

3. Khả năng thiết kế và tùy biến

Cả Webflow và WordPress đều cung cấp nhiều tính năng hỗ trợ cho doanh nghiệp xuyên suốt quá trình thiết kế. Ở mức độ cơ bản, Webflow ghi điểm bởi độ dễ dùng và linh hoạt. Tất cả những gì doanh nghiệp cần là xây dựng sẵn một cấu trúc website và sau đó là kéo thả trực tuyến các thành phần trên nền tảng này để hoàn thiện website đó. Webflow cũng cung cấp rất nhiều các mẫu thiết kế có sẵn, cho phép doanh nghiệp chỉnh sửa đơn giản hình ảnh và nội dung để tạo ra website nhanh chóng. 

Mặc dù WordPress cũng cung cấp rất nhiều các themes miễn phí và trả phí, tuy nhiên, khả năng thiết kế và tùy biến sẽ bị giới hạn. Bởi lẽ các themes này đã là một “tảng” thống nhất từ đầu, để có thể can thiệp, việc biết code là điều cần phải có. 

Khả năng thiết kế và tùy biến
Khả năng thiết kế, tùy biến là yếu tố quan trọng khi đánh giá Webflow và WordPress

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp muốn tạo ra một website chuyên nghiệp, sở hữu nhiều tính năng hơn và tạo ra sự khác biệt so với đối thủ, WordPress hoàn toàn chiếm lợi thế. Bởi khả năng can thiệp vào code cho phép doanh nghiệp tùy biến sâu hơn, tạo ra bất cứ yếu tố nào mà mình muốn. Trong khi đó, Webflow chỉ hoạt động dựa trên những gì có sẵn với những tùy chỉnh giới hạn, hầu như không thể can thiệp.

Bên cạnh đó, vì WordPress là một nền tảng mở, điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể cài đặt thêm rất nhiều Add-on, Plugins để phục vụ hoạt động của mình. Hiện tại, doanh nghiệp hoàn toàn có thể kéo thả trên WordPress với sự trợ giúp của các plugin như Elementor và Divi, đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi không thua gì Webflow. Trong khi đó vẫn giữ nguyên khả năng can thiệp sâu thông qua lập trình và tư duy thiết kế. 

4. Khả năng vận hành thương mại điện tử

Khả năng thương mại điện tử cũng là yếu tố mà nhiều doanh nghiệp muốn biết khi so sánh Webflow và WordPress. Thực tế, nếu doanh nghiệp muốn triển khai thương mại điện tử, lời khuyên của GAPONE là hãy ưu tiên WordPress. Điều này là bởi:

  • WordPress sử dụng nền tảng thương mại điện tử của WooCommerce – Nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất trên thế giới. WooCommerce cũng ghi điểm bởi hàng loạt add-on, plugins miễn phí, khả năng thiết kế tư duy tối ưu, phục vụ hoạt động bán hàng, dễ dàng tùy biến và điều chỉnh. Điểm mạnh của WooCommerce là cho phép khách hàng của doanh nghiệp thanh toán bằng rất nhiều hình thức khác nhau, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp không ưng ý nền tảng WooCommerce, WordPress vẫn cung cấp rất nhiều plugins thương mại điện tử khác như Easy Digital Downloads và MemberPress.
  • Trong khi đó, Webflow lại không kết hợp với bất cứ nền tảng thương mại điện tử nào, thay vào đó, họ tự tạo ra nền tảng thương mại điện tử cho chính mình. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ không có quyền lựa chọn nền tảng và thực tế, khả năng thương mại điện tử của Webflow rất hạn chế và “đắt đỏ”. Điển hình, doanh nghiệp sẽ bị giới hạn số lượng sản phẩm bán ra tùy thuộc vào loại gói đăng ký. Ví dụ, nếu chỉ đăng ký gói Standard với mức 29$/ tháng, doanh nghiệp chỉ được phép bán 500 sản phẩm. Khả năng thanh toán cũng bị giới hạn khi khách hàng chỉ có thể thanh toán qua Stripe. Nếu khách hàng dùng hình thức thanh toán khác, doanh nghiệp sẽ chịu phí dịch vụ 2% cho mỗi giao dịch. 

5. Khả năng bổ trợ và tích hợp

Liệu có thể sử dụng thêm những ứng dụng, giải pháp từ bên ngoài khi sử dụng Webflow và WordPress hay không? Câu trả lời là “Có”. Tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt trong việc cài đặt và sử dụng trên hai nền tảng này. WordPress có cả một kho tàng các add-on và plugin đa dạng, liên tục được cập nhật và bổ sung. Việc kích hoạt, sử dụng, xóa bỏ cũng cực kỳ đơn giản và không quá khó để thực hiện. Chính vì vậy, nếu có bất cứ tính năng nào doanh nghiệp muốn bổ sung vào website của mình, WordPress đều có sẵn plugin hỗ trợ.

Trong khi đó, Webflow lại rất ít hợp tác với các bên thứ 3. Chính vì vậy, lượng plugins, add-on cũng sẽ bị hạn chế đáng kể cả về số lượng lẫn tính năng. Tuy nhiên, vấn đề thực sự sẽ nằm ở khả năng tích hợp. Không phải phần mềm nào cũng dễ dàng tích hợp vào nền tảng Webflow, đa số đều phải thực hiện theo một quy trình và hướng dẫn của riêng plugin đó. Ngoài ra, tình trạng lỗi, hỏng hoặc các vấn đề phát sinh khi chuyển sang plugin khác là điều dễ xảy ra. 

6. Dịch vụ hỗ trợ trong quá trình sử dụng

Cả Webflow và WordPress đều sở hữu những bài viết hướng dẫn sử dụng chi tiết và đội ngũ nhân viên tư vấn nhiệt tình. Tuy nhiên, vì là nền tảng lâu đời và được sử dụng phổ biến hơn, nên các thông tin về hướng dẫn sử dụng WordPress sẽ đa dạng với nhiều “tips&tricks” được chia sẻ trên mạng hơn. 

Đa phần các thông tin chia sẻ bởi người dùng viết lại sẽ dễ hiểu hơn thông tin chia sẻ từ trang chủ của các nền tảng, bởi nó được tạo lên bởi chính những kinh nghiệm thực tế và có thể sẽ ít sử dụng những từ ngữ chuyên ngành hơn. Tại Việt Nam, các thông tin hướng dẫn sử dụng Webflow vẫn còn ít, nếu muốn tìm hiểu sâu, người dùng cần có khả năng trong tiếng Anh để đọc các bài viết từ trang chủ của Webflow. 

» Xem thêm: Hướng dẫn sử dụng Webflow.

7. Khả năng xếp hạng trang web

Việc thiết kế ra một website chuyên nghiệp, đẹp mắt sẽ không có ý nghĩa gì nếu như khách hàng của doanh nghiệp không tìm thấy trang web này. Chính vì vậy, việc tối ưu khả năng xếp hạng trang web chính là yếu tố chủ chốt để quyết định doanh thu và hiệu quả của việc xây dựng website. 

Xếp hạng trang web với Webflow và WordPress
Webflow đã cài sẵn tính năng SEO, trong khi WordPress cần đến sự trợ giúp của plugins.

Trong khi Webflow đã tích hợp sẵn các tính năng điều chỉnh SEO thì WordPress lại không có sẵn yếu tố này. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng những Plugins như Rank Math và Yoast SEO hoàn toàn miễn phí và hiệu quả với đầy đủ các tính năng. 

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý, các tính năng SEO của Webflow chỉ dừng lại ở mức độ cơ bản và vẫn còn thiếu một vài tính năng. Ví dụ như việc nền tảng này không hỗ trợ việc tự động chèn Schema. Vậy nên, doanh nghiệp sẽ phải tự chèn Schema vào từng trang một cách thủ công.

Bảng tổng hợp so sánh Webflow và WordPress

Những thông tin bên trên có thể sẽ quá dài và tiêu tốn nhiều thời gian đọc của quý doanh nghiệp. Chính vì vậy, GAPONE đã tổng hợp ngắn gọn trong bảng dưới đây nhằm giúp doanh nghiệp có thể xem xét tổng quan, dễ dàng so sánh và lựa chọn hơn giữa hai nền tảng Webflow và WordPress. 

 

Yếu tố đánh giá WordPress Webflow
Mức độ dễ dùng

Dễ dùng trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, đòi hỏi nhiều kiến thức lập trình và tư duy thiết kế nếu muốn phát triển website mạnh hơn sau này. 

Hơi khó để tìm hiểu lúc đầu. Tuy nhiên, sẽ dễ dùng hơn WordPress khi đã quen bởi các thao tác lặp đi lặp lại.
Chi phí đầu tư

Chi phí lớn ở giai đoạn đầu nhưng sẽ rẻ hơn trong phí duy trì hàng năm.

Chi phí không có sự biến động trong tất cả các giai đoạn sử dụng sản phẩm. 

Nếu chỉ tính riêng về nền tảng, chi phí cao hơn so với WordPress.

Tồn tại nhiều chi phí ẩn.

Thiết kế và tùy biến 

Thiết kế bị giới hạn bởi sự cố định của các Themes nhưng có thể khắc phục bằng các plugin phổ biến.

Khả năng tùy biến mạnh mẽ khi có thể can thiệp vào code. 

Thiết kế đơn giản không cần am hiểu về lập trình và thiết kế.

Tuy nhiên, tùy biến sẽ có giới hạn vì hạn chế can thiệp code.

Nếu muốn triển khai nâng cao, vẫn cần kiến thức về lập trình và thiết kế. 

Vận hành thương mại điện tử Tích hợp với WooCommerce – Nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất thế giới.

Đơn giản, dễ dùng, nhiều tùy biến.

Cho phép khách hàng thanh toán cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau.

Các tính năng thương mại điện tử bị giới hạn.
Thêm sản phẩm, tùy chỉnh giao diện đơn giản, dễ dàng.
Bị giới hạn về số lượng sản phẩm bán ra tùy theo các gói đăng ký.
Doanh nghiệp phải chịu phí 2% với mỗi sản phẩm mà khách hàng dùng nền tảng thanh toán khác Stripe.

 

Bổ trợ và tích hợp

Kho Add-on và Plugin đa dạng, hữu ích.

Dễ dàng tích hợp, loại bỏ và chuyển đổi. 

Rất ít Plugin, thiếu sự lựa chọn.

Tích hợp khó khăn, dễ xảy ra lỗi.

Hỗ trợ

Thông tin hỗ trợ đa dạng với mọi loại ngôn ngữ, mọi cách truyền tải từ chính nhà phát triển WordPress và người dùng.

Thông tin hỗ trợ chi tiết từ nhà phát triển Webflow. Tuy nhiên còn ít chia sẻ từ người dùng.

Ít thông tin chia sẻ bằng tiếng Việt.

Xếp hạng trang web Không tích hợp khả năng tối ưu xếp hạng nhưng có thể thay thế bằng Plugins.

Tích hợp sẵn khả năng tối ưu xếp hạng nhưng còn thiếu nhiều tính năng, không nhiều công cụ tùy chỉnh. 

Bảng so sánh Webflow và WordPress qua 7 tiêu chí

Doanh nghiệp phù hợp với nền tảng xây dựng website nào?

Câu hỏi cuối cùng đặt ra sau khi so sánh Webflow và WordPress chính là doanh nghiệp của bạn phù hợp với nền tảng xây dựng website nào. Không thể phủ nhận, mỗi nền tảng đều có ưu điểm, nhược điểm riêng. Tuy nhiên, khi xét trên nhiều yếu tố, WordPress vẫn vượt trội hơn ở nhiều mặt.

Thực tế, nếu doanh nghiệp muốn lựa chọn an toàn, tùy biến mạnh mẽ, bền vững, WordPress là cái tên hợp lý. Trong khi đó, Webflow lại phù hợp với những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) hơn bởi việc dễ bắt đầu và không đòi hỏi quá nhiều kiến thức chuyên ngành và chi phí đầu tư ban đầu có phần hợp lý hơn (Tuy nhiên chi phi duy trì sẽ khá cao).

Trên đây là toàn bộ bài so sánh Webflow và WordPress chi tiết nhất dựa trên từng yếu tố. Hy vọng bài viết này đã đem lại những giá trị hữu ích và giúp người đọc dễ dàng hơn trong việc lựa chọn các nền tảng xây dựng Website. 

Nếu doanh nghiệp có nhu cầu phát triển website, tối ưu khả năng bán hàng, ra đơn và tăng doanh thu, hãy tham khảo Bộ công cụ tăng trưởng bán hàng website của GAPONE. Liên hệ ngay tại đây để nhận được tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu. 

 

Leave a Reply

%d bloggers like this: